Hình thành vùng nguyên liệu sen Ðồng Tháp

Toàn tỉnh Ðồng Tháp hiện có hơn 850 ha trồng sen và có hơn 20 mặt hàng từ sen (chủ yếu là thực phẩm). Diện tích sen phát triển nhiều tại hai huyện Tháp Mười, Cao Lãnh. Hiện, nhãn hiệu “sen Tháp Mười” đã được biết đến nhiều trên phạm vi cả nước.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, tại các diện tích trồng sen đã xuất hiện hiện tượng “chết dây”, thoái hóa ngó trong giai đoạn sắp thu hoạch. Ngoài ra, việc liên kết tiêu thụ sản phẩm cũng còn hạn chế nên giá cả các mặt hàng sen rất bấp bênh. Trong khi đó, theo các doanh nghiệp sản xuất sữa sen, trà sen, hạt sen sấy, rượu sen,… thì, sản lượng sen do nông dân cung ứng thường không đủ để chế biến do sen tập trung theo mùa, chủ yếu dồi dào vào chính vụ; vào mùa nghịch, sản lượng sen rất thấp. Doanh nghiệp cũng mong muốn hình thành một vùng nguyên liệu riêng sản xuất theo yêu cầu và bảo đảm chất lượng để chế biến các sản phẩm phục vụ tiêu dùng trong nước cũng như hướng tới xuất khẩu. Như vậy, nhu cầu về sen nguyên liệu là tương đối lớn và các vùng trồng chưa đáp ứng đủ.

Là những người trồng sen lâu năm và gắn bó với cây sen, người nông dân rất muốn giữ lại các vùng trồng truyền thống. Các ngành chức năng cần sớm có những chính sách cần thiết để phát triển các vùng trồng sen hiệu quả. Theo đó, có các chuyên gia phân tích, đánh giá vì mỗi loại sen sẽ có những đặc điểm khác nhau nên cần chọn thổ nhưỡng tương thích, đặc biệt cần tính đến yếu tố thay đổi giống sen trồng qua các thời vụ để hạn chế bệnh hại trên sen. Về liên kết để tạo vùng nguyên liệu, người trồng sen sẵn sàng kết nối cùng doanh nghiệp.

Ðồng Tháp là nơi có cơ hội hình thành chuỗi giá trị ngành hàng sen bởi đây là địa phương được mệnh danh là “thủ phủ sen hồng”. Hy vọng tới đây, ngành hàng này sẽ được quan tâm đầu tư để mang lại hiệu quả kinh tế cao và bền vững hơn cho người trồng sen.

(Nguồn: https://nhandan.vn/)

Trên đây là chia sẻ của sendongthap.com về nội dung “Hình thành vùng nguyên liệu sen Ðồng Tháp”