Phật Giáo xem hoa sen là biểu tượng thiêng liêng và cao quý. Những kiến trúc Phật Giáo tiêu biểu với hình tượng hoa sen thường xuất hiện trong những giai đoạn hưng thịnh của Phật giáo. Đó là thời Lý thế kỷ thứ XI với chùa Một Cột; thế kỷ thứ XVII với tháp Cửu phẩm liên hoa ở chùa Bút Tháp; thế kỷ XVIII với chùa Tây Phương và chùa Kim Liên. Hãy cùng sendongthap.com tìm hiểu về hoa sen trong công trình Phật Giáo Việt Nam các bạn nhé.
1. Chùa Một Cột, Hà Nội
Là một ngôi chùa nằm giữa lòng thủ đô Hà Nội. Chùa Một Cột hay còn gọi là Chùa Mật, tên khác là Diên Hựu Tự hoặc Liên Hoa Đài. Chùa sở hữu kiến trúc độc đáo với một cấu trúc hình vuông nằm trên một cột đá. Chùa nổi trên mặt hồ là nhờ vào một hệ thống những thanh gỗ tạo thành cấu trúc rắn chắc hỗ trợ, trông giống như một bông hoa sen mọc thẳng lên từ hồ, nở trên mặt nước. Với hình tượng hoa sen đó, dân gian vẫn hay gọi chùa Một Cột là Liên Hoa Đài.
Qua nhiều năm, chùa Một Cột đã được cải tạo, phục hồi nhiều lần. Chùa vẫn giữ được một cấu trúc của đài Liên Hoa hình vuông bằng gỗ, mỗi cạnh dài 3 mét, bốn mái cong bao phủ, trên có lưỡng long chầu nguyệt.
Chùa Một Cột là một công trình kiến trúc xuất sắc thể hiện tính dân tộc đậm nét. Không gian chùa là bản giao hưởng của tính sáng tạo trong kiến trúc kết hợp nghệ thuật điêu khắc đá, hội họa, chạm khắc gỗ… Tất cả đều rất dân tộc, rất Việt Nam!
Kỷ lục Guiness Việt Nam cũng ghi nhận chùa Một Cột là ngôi chùa có kiến trúc độc đáo nhất Việt Nam.
Chùa Một Cột
2. Chùa Bút Tháp, Bắc Ninh
Chùa Bút Tháp nằm bên đê hữu ngạn sông Đuống, Bút Tháp, Đình Tổ, Thuận Thành, Bắc Ninh. Người dân trong vùng còn gọi chùa với cái tên là chùa Nhạn Tháp. Tên cũ của chùa trước đây làThiếu Lâm Tự hay Hoàng Cung Tự. Trong chùa có tượng Bồ tát Quan Thế Âm thiên thủ thiên nhãn bằng gỗ lớn nhất Việt Nam. Công trình Phật Giáo Việt Nam này là một trong những di tích quốc gia đặc biệt được xếp hạng thứ 4.
Tháp Cửu Phẩm Liên Hoa là một kết cấu gỗ dạng tháp, có 9 tầng chồng lên nhau. Mỗi tầng có một đài sen rộng chừng 2m, cao 50cm. Khoảng cách giữa các tầng đều nhau. Cả tháp cao 7,8m. Phía ngoài tháp cánh sen bằng gỗ sơn đỏ tạo thành tầng tầng lớp lớp so le nhau. Tháp có thể quay tròn quanh một trục, có gắn tượng Phật và chạm những cảnh dân gian hay lấy đề tài trong Phật thoại. Nếu đứng nhìn tòa tháp từ dưới lên khi đang quay, du khách sẽ cảm thấy như tầng tầng lớp lớp hoa sen bung nở phía trên.
Tháp Cửu Phẩm Liên Hoa – Chùa Bút Tháp
3. Chùa Tây Phương, Hà Nội
Là một ngôi chùa ở trên đồi Câu Lâu ở thôn Yên, Thạch Xá, Thạch Thất, Hà Nội. Chùa Tây Phương là ngôi chùa có giá trị cao về lịch sử, văn hóa, khoa học và thẩm mỹ. Đặc biệt, đây là một di tích tiêu biểu nhất về mặt kiến trúc, điêu khắc và tạc tượng trong lịch sử mỹ thuật Việt Nam thế kỷ 18. Chùa có các đầu cột được làm thành hình bông hoa sen hoặc làm thành cả hồ sen.
Năm 2014, chùa Tây Phương nằm trong danh sách được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt.
Năm 2015, Di tích kiến trúc nghệ thuật Chùa Tây Phương được Thủ tướng Chính phủ công nhận là di tích quốc gia đặc biệt.
Chùa Tây Phương
4. Chùa Kim Liên, Hà Nội
Là ngôi chùa nằm trên một đồi đất bằng phẳng trong làng Nghi Tàm, Quảng An, Tây Hồ, Hà Nội. Chùa có tổng mặt bẳng được cô gọn lại thành hình tượng một bông hoa sen. Tam quan chùa Kim Liên là một công trình kiến trúc độc đáo với 2 tầng, 8 mái, trông như bông sen trên mặt nước Hồ Tây. Chùa Kim Liên được đánh giá là một trong 10 di tích kiến trúc cổ đặc sắc nhất Việt Nam.
Tam quan Chùa Kim Liên
Hoa sen là loài hoa bình dị mà thanh cao, rất thực tế đời thường nhưng cũng rất siêu thoát. Trong kiến trúc Phật giáo, hình tượng hoa sen được lồng vào cấu trúc nhà, một bộ phận kiến trúc hoặc cả tổng thể công trình với ý nghĩa về sự giải thoát, giác ngộ Phật pháp. Vì vậy, hoa sen trong công trình Phật Giáo Việt Nam đã trở thành hình tượng rất quen thuộc với tăng ni phật tử, cũng những người tu hành hướng Phật và khách tham quan tứ phương.
(Nguồn: https://dongthap.gov.vn)
Trên đây là chia sẻ của sendongthap.com về nội dung Hoa sen trong công trình Phật Giáo Việt Nam