Nâng cao giá trị sản phẩm từ sen của Đồng Tháp

Sen là một trong những biểu tượng đặc trưng của vùng đất Đồng Tháp, nơi được mọi người biết đến với những cánh đồng sen bạt ngàn.

Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Trong những năm qua, bà con nông dân và địa phương đã xây dựng, khai thác hiệu quả kinh tế từ cây sen mang lại gấp nhiều lần so với trồng lúa. Đã có hơn 20 sản phẩm được chế biến từ sen như: sen sấy bơ, sữa sen, rượu sen, các loại trà từ sen, bông sen, kéo sợi tơ sen và nhiều hộ dân đã ổn định cuộc sống cũng nhờ cây sen.

 

Đề án tái cơ cấu trong sản xuất nông nghiệp của huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp, đặc biệt chú trọng đến các sản phẩm từ cây sen. Nhiều sản phẩm từ sen đã vươn đến các nước trên thế giới và mang về giá trị kinh tế cao cho người dân. Ông Nguyễn Xuân Thắng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thực phẩm Sen Đại Việt, tỉnh Bình Dương, cho biết công ty có chi nhánh tại Đồng Tháp để thu mua sản phẩm cho người dân. Hiện tại, nhu cầu thị trường về sen rất lớn, đây là cơ hội tốt để đưa sản phẩm đến với người tiêu dùng ở các nước: “Đầu tiên người nông dân hãy trồng cho tốt, bước thứ hai là các khâu sơ chế, chế biến, chúng ta sẽ có một phân khúc như vậy, và bước thứ ba sẽ có một nhóm tập hợp gọi là khâu thương mại. Trong dự kiến khoảng một đến hai năm tới chúng tôi sẽ quy hoạch vùng trồng.”

Để nâng cao giá trị sen Đồng Tháp, đã có nhiều Công ty chế biến sản phẩm từ cây sen như: sen sấy bơ, sữa sen, rượu sen, các loại trà từ sen, bông sen, kéo sợi tơ sen và nhiều sản phẩm được làm từ sen.

Ông Ngô Khánh Huy, Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Sản xuất, Thương mại và Dịch vụ Khánh Thu, ở huyện Tháp Mười, chuyên sản xuất các sản phẩm từ sen, cho biết để đa dạng hóa sản phẩm từ sen, phía công ty đang sản xuất thêm dòng sữa sen đóng lon, qua đó nâng cao giá trị từ cây sen. Để đảm bảo được chất lượng và nguồn cung thì doanh nghiệp và các hộ dân đang xây dựng vùng nguyên liệu, đáp ứng được các tiêu chuẩn và hợp đồng cho các đối tác. “Một hai năm nữa thôi sẽ bắt buộc chuyện này tức là vùng nguyên liệu tối thiểu và nhà máy chế biến từ thành phẩm, điều này Khánh Thu đã chuẩn bị và đang tiến hành xây dựng hệ thống đạt tiêu chuẩn ISO 2000 để cố gắng tốt hơn vùng trồng sen.”

Để cây sen thực sự phát triển bền vững, giúp người dân ổ định cuộc sống, huyện Tháp Mười đã quy hoạch vùng trồng sen với diện tích khoảng 300ha với nhiều phân khu như: phục vụ du lịch, cung cấp nguồn nguyên liệu sen, xây dựng làng nghề rút sợi tơ sen. Bên cạnh đó, địa phương đã kêu gọi doanh nghiệp và khuyến khích các cơ sở sản xuất chế biến các sản phẩm từ sen để làm dược liệu, thực phẩm đến các loại mỹ phẩm.

Ngoài ra, trong Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCCOP) đã có 6  sản phẩm từ sen được đánh giá từ 3 đến 4 sao. Đồng thời, phối hợp với các ngành chức năng thực hiện đề tài khoa học phát triển chuỗi giá trị du lịch nông nghiệp, nông thôn – sản phẩm sen để có góc nhìn đa dạng hơn về phát triển sản phẩm cũng như du lịch từ sen.

Ông Nguyễn Phước Thiện, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp, cho biết ngoài giá trị kinh tế về xuất khẩu của ngành hàng sen thì cần gắn hình ảnh cây sen đến với khách du lịch, đây là một trong những giá trị còn nhiều tiềm năng của vùng đất Sen hồng Đồng Tháp trong thời gian tới: “Trước đây có vài loại sen và làm rất nhiều sản phẩm nhưng mà thực sự thì có những loài sen không có phù hợp với những sản phẩm đầu ra như: Trồng sen lấy củ phải khác, trồng sen lấy bông là khác, lấy ngó là khác. Đó là đề tài về sen chúng tôi đánh giá được, chúng ta hiểu hiện nay giá trị sen đã lên cao như thế nào, thì tới đây chúng tôi sen làm bộ sưu tập các loại sen từ đó chúng tôi sẽ rà soát, đánh giá những vùng nào có thể tích hợp với sen hoặc liên kết với hợp tác xã, doanh nghiệp theo nhu cầu hoặc là hình mẫu gì đó sau đó được chúng tôi sẽ nhân rộng, phát triển cùng sen cho của tỉnh.”

Cây sen gắn với hình ảnh đất sen hồng Đồng Tháp, lợi ích kinh tế từ cây sen mang lại cho người dân cao gấp nhiều lần so với trồng lúa. Tuy nhiên, để thực sự nâng cao giá trị ngành hàng sen Đồng Tháp, việc liên kết chặt chẽ giữa người dân và doanh nghiệp là vấn đề then chốt để nâng cao thương hiệu, uy tín các sản phẩm từ sen. Ngoài ra, cũng cần có chính sách hỗ trợ về giống, chuyên môn, trang thiết bị để xây dựng được những vùng nguyên liệu lớn đáp ứng nhu cầu trong nước và phục vụ xuất khẩu, để phát triển một cách bền vững.

(Nguồn: https://vovworld.vn)

Trên đây là chia sẻ của sendongthap.com về nội dung “Nâng cao giá trị sản phẩm từ sen của Đồng Tháp”